Giới nghệ sỹ
Hỗ trợ thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Nghệ thuật
  • Hát ca trù ở Sài Gòn và sự bảo tồn di sản

Hát ca trù ở Sài Gòn và sự bảo tồn di sản

Ca trù là một lối hát thơ, xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ 15. Hát ca trù gồm có một người đánh đàn đáy, thường là nam, hai cô đào gõ phách và hát (còn gọi là hát ả đào). Một nhóm biểu diễn ca trù bao gồm: một nữ ca sĩ gọi là đào sử dụng phách, một nhạc công nam giới gọi là kép chơi đàn đáy và một người gọi là quan viên, thường là tác giả bài hát chơi trống chầu. Và người cầm trống chầu gõ cầm trịch phụ họa cho buổi hát.

Những bài hát ca trù thường là những bài thơ do các nho sĩ sáng tác. Thể loại thơ để hát ca trù phải là thơ truyền thống của Việt Nam như: Lục bát, song thất lục bát, hoặc loại thơ làm theo luật vận ca trù. Một bài hát làm theo thể ca trù thường gồm có 3 phần: Phần mở đầu, được viết theo thể thơ lục bát. Đoạn giữa thì viết tự do, câu dài ngắn khác nhau; trong đoạn giữa này thường có kèm hai câu thơ viết bằng chữ Hán. Phần cuối viết tự do. Được khởi xướng, hình thành bởi những nhà nho nên rất nhiều bài ca trù là do những nhà nho sáng tác, một số nhà nho nổi tiếng như: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê...

Theo những nhà nghiên cứu ca trù, thể loại này rất độc đáo, chỉ ở Việt Nam mới có, là di sản văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Qua những thăng trầm, ca trù dần được suy tôn, bảo tồn giá trị. Vào tháng 10-2009, UNESCO đã công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và nhân loại. Hiện nay ở Sài Gòn có khoảng chừng 3-4 nhóm hát ca trù với gần 20 nghệ sĩ, như: Câu lạc bộ ca trù và hát thơ Lạc Việt, do tiến sĩ Nguyễn Nhã sáng lập, chủ trì; Đoàn nghệ thuật Tiếng vọng sông Ngân, do nghệ sĩ Hoài Anh (con gái của nữ sĩ Ngân Giang) làm trưởng đoàn. Ngoài ra còn một số nhóm hát riêng lẻ khác.


Hát ca trù

Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, hiện ông đang kết hợp với một số nhà hàng, như Lá Thơm, Phúc Lộc Thọ biểu diễn ca trù phục vụ khách. Đó là chương trình ca trù và hát thơ ẩm thực Lạc Việt, với những nội dung như: Ca trù và hát thơ ẩm thực Bắc; ca trù và hát thơ Huế ẩm thực Huế; ca trù và hát thơ, đờn ca tài tử ẩm thực Nam bộ.

Những ai nặng lòng với các loại hình nghệ thuật dân tộc đều nhận thấy ca trù, cũng như nhiều loại hình khác, như hát bội, bài chòi, ca tài tử... đang dần mai một. Cuộc sống hiện đại đã “lấn chiếm” không gian sống của những loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có ca trù. Lớp trẻ ngày nay ít người còn am hiểu để mà yêu thích các loại hình nghệ thuật dân tộc, cần phải làm cho lớp trẻ yêu và hiểu thơ truyền thống dân tộc, phải đưa hát thơ vào các trường học để dạy, phổ biến cho học sinh. Có vậy, mới bảo tồn được ca trù cùng nền nghệ thuật cổ truyền.

Tháng 6 vừa qua, chúng ta đã tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - khẳng định việc ca trù được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là một niềm vui, vinh dự cho đất nước ta nói chung và cho nghệ thuật ca trù nói riêng. Tuy vậy, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với chúng ta trong việc bảo vệ di sản này. Trong 5 năm qua, mặc dù còn không ít những khó khăn, bất cập cần từng bước tìm cách giải quyết, nhưng chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực hoạt động để bảo vệ di sản ca trù.

Những bất cập trong cách thức phát triển nghệ thuật ca trù khiến việc bảo vệ di sản này trở nên khó khăn. Nhiều nhóm, câu lạc bộ được khen ngợi trên các phương tiện thông tin, nhưng về chất lượng cần phải đánh giá lại. Một số nhóm còn hoạt động mang tính kinh doanh, chạy theo danh lợi; một số nữa có hợp đồng thì diễn, không thì thôi; có nhóm tập luyện tốt thì không mấy khi diễn... Những hiện tượng trên sẽ là nguy cơ khiến ca trù bị mai một, khó đáp ứng tiêu chí của UNESCO.